Sau loạt bài “Vạch mặt sư giả” trên Báo NLĐ (29-7), Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức- TPHCM đã ra tay xóa xóm sư giả. Song bạn đọc liên tục phản ánh về tòa soạn là gặp sư giả hành nghề khắp các tuyến đường trong TP. Phóng viên Báo NLĐ vào vai nhà sư để khất thực mới biết sở dĩ hiện tượng sư giả lan tràn hiện nay là do cách kiếm tiền quá dễ
Cạo râu ria trên mặt, cắt túm tóc hơi dài sau ót, đúng 4 giờ 30 phút ngày 16-8 (16-7 âm lịch), tôi mặc bộ đồ nhà chùa màu khói hương, khoác tiếp chiếc áo vàng rực và đội chiếc mũ len màu nâu. Một đồng nghiệp chở tôi thẳng về hướng quận 5- TPHCM. Tại đây, tay tôi cầm bình bát, chân bước thong dong, mắt dáo dác tìm một “sư” giả khác để học... nghề. Vào “hang” học... nghề Năm giờ sáng, trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5), tôi đụng mặt một “sư” tướng người to khỏe, da ngăm đen chừng 30 tuổi. Liếc tôi một cái, “sư” nhếch mép cười rồi bước vội vào con hẻm dẫn tới quán cà phê cóc tối om. Năm phút sau tôi bước theo. Quán cà phê không đèn điện. Đứng đầu hẻm nhìn vào chỉ thấy đốm sáng của điếu thuốc lá mà “sư” đang hút. Tôi tiến về phía đốm sáng ấy rồi kính cẩn vén vạt áo ngồi xuống ghế bên cạnh “sư”. Sau khi rít hơi thuốc, “sư” nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống tôi: “Không biết khất thực thì dẹp đi, tao nói với mày coi chừng bị công an tóm cổ. Khất thực kiểu gì mà đi như ngựa phi vậy?”. Tôi khúm núm: “Dạ, hôm nay biết người ta cúng cô hồn nhiều, em đi làm bữa đầu nên còn non nghề, có gì thầy dạy em với!”. Trời hửng sáng, nhưng quán cà phê này nằm dưới mái che của con hẻm nên vẫn tối mịt, vắng vẻ, biệt lập như một cái hang động chỉ có tôi và “sư” ngồi đối diện nhau. Trong không gian tĩnh lặng, “sư” giới thiệu tên Minh, trọ ở quận Bình Thạnh và sau đó truyền nghề cho tôi: “Khi khất thực phải bước nối gót, mắt nhìn xuống đất, không liếc lung tung, khuôn mặt không được lộ vui buồn gì cả”. Nhìn lên cái mũ len tôi đang đội, “sư” quát: “Mày còn để tóc hả? Làm nghề này tiếc gì mái tóc. Mày chưa gặp nên chưa sợ. Phật tử họ tinh lắm, họ giật cái mũ xuống thì mày tiêu!”. Thấy tôi có vẻ run, thầy tiếp tục: “Cạo đầu rồi mà công an vẫn biết mình giả. Vừa rồi có ông nhà báo theo dõi chụp hình rồi kêu công an bắt một mớ gần cầu Bình Triệu. Mày không cẩn thận sẽ cùng chung số phận!”. 100 bước chân... 37.000 đồng Sau khi truyền hết nghề, “sư” vẫn không cho tôi “hạ sơn” cùng với “sư” vì tôi chưa cạo đầu. Dẫu vậy tôi vẫn cứ lẽo đẽo theo “sư”. Bảy giờ, đến đường Hà Tôn Quyền, phường 15, quận 5, hai thầy trò bắt đầu “khất thực”. Thầy bước trước, trò bước sau. Mới đi được 5 bước thì một ông già, tướng người nghèo khó chạy từ phía sau tới trước mặt tôi , hai tay cầm 5.000 đồng đưa ra thành khẩn: “Dạ con cẩn thầy”. Tôi lúng túng, đứng im. Ông già tự động mở nắp bình bát và bỏ tiền vào. Sau đó lại chạy lên chỗ “sư phụ” tôi cẩn tiền tiếp. Vài bước chân nữa lại có một cậu bé chừng 6 tuổi chạy ra biếu 2.000 đồng, một người chạy ba gác cũng xuống xe cúi đầu biếu 12.000 đồng... Đi chừng 100 bước chân tôi dừng lại, lẻn vội vào một con hẻm trút bình bát đếm được 37.000 đồng. Riêng “sư phụ” tôi thì vẫn miệt mài cúi mặt “khất thực” hết tuyến đường này đến tuyến đường khác. Khi bình bát không còn chỗ nhét tiền, “sư phụ” trút tiền vào túi, rồi đi tiếp. Số tiền hôm nay thu được không biết bao nhiêu, chỉ biết khi lên xe buýt, “sư phụ” trút y phục lộ nguyên hình một gã thanh niên ngồi đếm tiền gần 20 phút vẫn chưa xong. Loạn sư giảTrong mùa lễ Vu lan, ngoài “sư” Minh tôi còn giáp mặt hàng chục “đồng nghiệp” khác. Tại chợ Minh Phụng, quận 6 tôi giáp mặt với 4 “sư” nữ. “Sư” trẻ nhất trông mặt chưa đến 20 tuổi. Sư già nhất chừng 70 tuổi, khá mập nhưng một mắt bị mù... Trên đường Võ Trường Toản, quận 5, tôi diện kiến một “sư” giả chừng 40 tuổi, ốm nhách. Vị này có kiểu “khất thực” hết sức quái: không nhón từng bước chân, không nhìn xuống đất mà đi nghiêng ngả như người say rượu, sẵn sàng xông vào nhà dân cầm bình bát chìa ra một cách thô thiển. Trên đường Lê Quang Sung, quận 6, một “sư” béo đi kèm một “sư” gầy. Một ông cụ, chống nạng đi bán vé số gặp cặp “sư” này liền cúi đầu chào. Cặp “sư” cúi chào lại. Nhưng ông cụ lại không móc tiền cho nên “sư” béo lẩm bẩm chửi còn “sư” gầy thì im lặng lắc đầu.
Đưa thêm một sư giả vào trung tâm hỗ trợ xã hội Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức- TPHCM vừa bắt thêm một người đàn ông cạo đầu giả dạng nhà sư lúc người này đón xe buýt chuẩn bị đi hành nghề. Khi khám xét trong túi của người này có đầy đủ đồ nghề: áo vàng, bình bát... Người đàn ông này khai tên là Lương Văn Minh, sinh năm 1950, ngụ ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức (quê gốc tỉnh Khánh Hòa). Công an đã chuyển ông ta vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH TPHCM. Sau khi Báo NLĐ đăng loạt bài “Vạch mặt sư giả”, đến nay Công an phường Hiệp Bình Chánh đã bắt được 5 sư giả. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét